Art Nouveau là thuật ngữ không quá xa lạ đối với những người yêu nghệ thuật và kiến trúc. Phong cách này là nguồn cảm hứng tạo nên nhiều tác phẩm, công trình đặc sắc và ấn tượng. Vậy phong cách Art Nouveau là gì? Bắt nguồn từ đâu? Art Nouveau có đặc trưng, tầm ảnh hưởng thế nào? Có phải Art Nouveau chỉ gói gọn trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và hội họa? Hãy cùng Trung Nguyên tìm hiểu về phong cách nghệ thuật độc đáo này nhé!
Art Nouveau là gì?
Khái niệm
Art Nouveau là một phong cách nghệ thuật và kiến trúc, phát triển phổ biến vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX (khoảng từ năm 1890 – 1910), trước khi Thế chiến I nổ ra. Phong cách này được biết đến với các đặc điểm thiết kế độc đáo. Đặc trưng là các đường cong uốn lượn mềm mại, đường thẳng không đối xứng,… Hình dạng được lấy cảm hứng từ tự nhiên, hoa lá, cây cỏ, côn trùng,…
Tên gọi “Art Nouveau” trong tiếng Pháp có nghĩa là “nghệ thuật mới”. Trường phái này còn được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau tùy theo ngôn ngữ và văn hóa. Chẳng hạn như Jugendstil (nghĩa là “nghệ thuật trẻ” trong tiếng Đức), Stile Liberty (tiếng Ý), Modernisme (tiếng Tây Ban Nha),… Ở Việt Nam, Art Nouveau còn được biết đến với tên gọi trường phái “Tân nghệ thuật”.
Phong cách Art Nouveau được áp dụng trong nhiều lĩnh vực thiết kế. Nó xuất hiện trong kiến trúc, hội họa, thời trang, trang sức, nội thất, dệt may,… Có thể nói, Art Nouveau đánh dấu sự đổi mới trong cách tiếp cận nghệ thuật và thiết kế, là biểu tượng của sự sáng tạo và phong cách thẩm mỹ độc đáo của thời đại.
Nguồn gốc và sự phát triển
Tên gọi Art Nouveau bắt nguồn từ “la Maison de l’Art Nouveau”. Đây là một cửa hàng tại Paris nổi tiếng với việc quảng bá và hỗ trợ cho các ý tưởng nghệ thuật hiện đại. Trào lưu này lấy cảm hứng từ nghệ thuật biểu tượng, nghệ thuật Celtic và Nhật Bản. Art Nouveau chú trọng sự tinh tế trong từng chi tiết và đề cao vẻ đẹp tự nhiên. Art Nouveau nở rộ ở Anh cùng với phong trào Art & Craft, nhanh chóng được tiếp nhận và để lại dấu ấn đặc biệt trong nghệ thuật thế giới.
Một số nghệ sĩ nổi bật của trường phái này là họa sĩ minh họa Aubrey Beardsley và Walter Crane (Anh), Alphonse Mucha (Czech); kiến trúc sư Henri van de Velde và Victor Horta (Bỉ). Ngoài ra còn có nhà thiết kế trang sức René Lalique (Pháp); họa sĩ Gustav Klimt (Áo); kiến trúc sư Louis Sullivan (Mỹ),…
Từ sau năm 1914, phong trào này không còn nổi bật nữa. Tuy nhiên, Art Nouveau không chỉ dừng lại ở cái đẹp và biểu trưng, mà còn để lại dấu ấn sâu đậm, tiếp nối truyền thống vào sự phát triển của nghệ thuật hiện đại sau này.
Đặc điểm của Art Nouveau
Hình thái, họa tiết
Art Nouveau chứa đựng nét đẹp mơ màng và trừu tượng. Đặc trưng nổi bật khi nhìn vào một tác phẩm Art Nouveau chính là sự hoa mỹ và các đường nét uốn lượn mềm mại. Thường xuyên xuất hiện những hình ảnh cách điệu từ thiên nhiên như hoa, lá,… Đôi khi được lấy từ vẻ đẹp của mái tóc hay hình ảnh nàng tiên, người phụ nữ.
Các tác phẩm nghệ thuật Art Nouveau chi tiết và phức tạp, phô bày vẻ đẹp mềm mại, hấp dẫn mọi ánh nhìn. Điểm nổi bật của chúng là sự chú trọng vào các đường cong và thiết kế không đối xứng. Đặc trưng của phong cách này là sự mơ mộng, huyền bí. Có thể liên tưởng đến một câu chuyện cổ tích với những tòa lâu đài hùng vĩ, bí ẩn.
Màu sắc
Về màu sắc, Art Nouveau thể hiện sự đột phá trong việc phối màu, kết hợp chúng một cách linh hoạt và ấn tượng. Màu vàng, bạc và nâu mang lại sự hài hòa, sang trọng. Trong khi các tông màu như xám, xanh, tím và hồng lại tạo nên không gian thư giãn và gần gũi với tự nhiên.
Chất liệu
Art Nouveau hướng đến sự xa hoa. Trong việc chọn lựa chất liệu, phong cách này thường sử dụng kim loại được mạ vàng hoặc bạc, cùng với thủy tinh phản quang cao cấp để tạo nên sự sang trọng. Ngoài ra, trang sức, đá cẩm thạch, gỗ quý và lông thú cũng được tận dụng để tôn lên vẻ đẹp và sự quý phái của phong cách này.
Art Nouveau được ứng dụng trong lĩnh vực nào?
Trong thiết kế kiến trúc
Kiến trúc Art Nouveau nổi bật với việc áp dụng các đường nét uốn lượn, hình khối và họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá, hình xoắn ốc. Một trong những ví dụ điển hình là công trình kiến trúc Sagrada Família với các chi tiết trang trí phức tạp lấy cảm hứng từ tự nhiên.
Lối kiến trúc này thường sử dụng vật liệu như gạch men nhiều màu sắc. Từ đó tạo nên hiệu ứng nghệ thuật ấn tượng. Điều này cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp mang đậm dấu ấn riêng của thời đại.
Trong thiết kế nội thất
Nội thất phong cách Art Nouveau mang đến sự mềm mại, uyển chuyển. Đồng thời kết hợp sự phá cách với việc sử dụng màu sắc đa dạng, chủ yếu là sắc vàng và bạc.
Vật liệu nội thất Art Nouveau đa dạng từ gốm, sứ, thiếc đến đá cẩm thạch, gỗ, lông thú,… Đặc biệt nhấn mạnh vào các vật liệu kim loại để tạo vẻ sang trọng, cao quý.
Trong hội họa
Trong lĩnh vực hội họa, mỹ thuật, Art Nouveau cũng là trường phái đặc sắc. Bức “Zodiac”, “Gismonda” của Alphonse Mucha là các ví dụ tiêu biểu. Những tác phẩm này thể hiện cảm hứng và phong cách đặc trưng của Art Nouveau trong hội họa.
Art Nouveau cũng hiện diện trong những tấm card, các lá bài tarot. Hiện nay, phong cách này gần đây được tái hiện trong các poster, tranh quảng cáo,… mang đến hơi thở mới mẻ cho nghệ thuật đương đại.
Trong thiết kế đồ họa
Dù đã qua hơn một thế kỷ, Art Nouveau vẫn được các nhà thiết kế đồ họa hiện đại áp dụng. Dễ thấy nhất là trong những tác phẩm mang phong cách vintage và retro. Xu hướng này thể hiện sự quý trọng và tôn vinh những giá trị thẩm mỹ từ quá khứ, đồng thời kết hợp với những yếu tố hiện đại để tạo ra sản phẩm phù hợp với gu thẩm mỹ ngày nay.
Art Nouveau được ứng dụng tạo ra những hình ảnh độc đáo, thu hút. Phong cách này xuất hiện trong các poster, banner quảng cáo nghệ thuật,… mang đến cảm giác quen thuộc nhưng mới mẻ.
Trong thiết kế trang sức
Trang sức phong cách Art Nouveau rất tinh xảo, chú trọng đến từng chi tiết. Chúng thường sử dụng đường cong mềm mại và họa tiết tự nhiên. Do đó rất được yêu thích bởi vẻ đẹp tinh tế và nữ tính.
Trong lĩnh vực thời trang
Trong lĩnh vực thời trang, phong cách Art Nouveau cũng được ứng dụng trong thiết kế, đường nét, họa tiết,… Bộ sưu tập mùa xuân năm 2008 của Prada (Prada Spring 2008) là bộ sưu tập thiết kế thời trang điển hình lấy cảm hứng từ phong cách Tân nghệ thuật. Các thiết kế phản ánh sự thanh thoát, nhẹ nhàng của chất liệu và đường nét mềm mại, uyển chuyển.
Art Nouveau và Art Deco
Vào khoảng những năm 1910, phong cách Art Nouveau dần nhường chỗ cho Art Deco. Đây là một biến thể nghệ thuật thị giác mới mẻ và cách tân. Art Deco được coi là bước phát triển tiếp theo từ Art Nouveau, đánh dấu một cuộc cách mạng đáng chú ý trong lĩnh vực thiết kế.
Khi so sánh hai phong cách này qua các mẫu trang trí, ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng. Art Nouveau ưa chuộng sự mềm mại, dùng hình ảnh và đường cong lấy cảm hứng từ tự nhiên. Ngược lại, Art Deco nghiêng về sự đơn giản, tinh gọn, thường dùng các đường thẳng, đường gấp khúc và hình học.
Trong khi Art Nouveau chú trọng vào yếu tố thẩm mỹ và có phần phức tạp trong thiết kế, Art Deco lại đề cao tính hình thức và chức năng. Art Deco tích hợp các vật liệu như thép không gỉ, thủy tinh, kim loại, gỗ và nhựa,… Tất cả đều nổi bật với vẻ đẹp sáng bóng, bề mặt phẳng và thiết kế sắc nét, mạch lạc. Trong giai đoạn 1920 – 1930, các vật liệu đó không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn thể hiện ý nghĩa về một “thời đại mới” trong thiết kế. Có thể nói Art Nouveau là điểm khởi đầu và Art Deco tiến tới đỉnh cao của mình.
Cả Art Nouveau và Art Deco đều mang đến những cái nhìn tươi mới và độc đáo. Cả hai phong cách đều làm cầu nối giữa những phong cách thiết kế từ thế kỷ XIX như chủ nghĩa lãng mạn và tân cổ điển, vốn đã cũ kỹ, với những xu hướng thiết kế hiện đại.
Các tác phẩm, công trình nổi tiếng theo phong cách Art Nouveau
Công trình kiến trúc Art Nouveau
Sự lan tỏa của Art Nouveau cho thấy rằng đây là một phong cách nghệ thuật không biên giới. Trong dòng chảy của lịch sử, Việt Nam cũng đã đón nhận và phản ánh phong cách này qua nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, đặc biệt là ở Hà Nội.
Một số công trình kiến trúc tiêu biểu theo trường phái Art Nouveau là:
- Tháp Eiffel: Tòa tháp nổi tiếng này được xây dựng năm 1889 ở Pháp.
- Casa Battló: Còn được gọi là Nhà xương (Barcelona, Tây Ban Nha).
- Gresham Palace: Được hoàn thành vào năm 1906 tại Budapest, Hungary. Nơi này còn được sử dụng làm doanh trại quân đội của Hồng quân trong Thế chiến II.
- Toà soạn báo Hà Nội Mới: Được xây dựng năm 1893. Công trình kết hợp giữa nét đẹp truyền thống và hơi thở mới của Art Nouveau. Kiến trúc nổi bật với các đường nét uốn lượn và họa tiết tự nhiên.
- Nhà hát lớn Hà Nội: Được xây năm 1911, kết hợp kiến trúc Pháp và nét đẹp Art Nouveau.
- Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ): Art Nouveau xuất hiện từ mái che, cầu thang cho đến các chi tiết đắp nổi,…
Ngoài ra còn có Ngôi nhà Ciamberlani (1897), Khách sạn Van Eetvelde (1895 – 1897), Trụ sở Bộ Công thương (trước đây là Ngân hàng Pháp – Hoa), Nhà riêng đại sứ Hoa Kỳ,… Nhiều tòa nhà, bảo tàng, ga tàu điện,… ở các quốc gia châu Âu cũng thể hiện phong cách kiến trúc Art Nouveau.
Tác phẩm hội họa Art Nouveau
Một số tác phẩm hội họa tiêu biểu theo trường phái Art Nouveau:
- “The Kiss” – Gustav Klimt (1907-1908)
- “Monaco-Monte Carlo” – Alphonse Mucha (1987)
- “Gismonda” – Alphonse Mucha (1894)
- “Zodiac” – Alphonse Mucha (1897)
- “La Trappistine” – Alphonse Mucha (1897)
- “Cats” – Kuniyoshi Utagawa
- “The Peacock Skirt” – Aubrey Beardsley (1892)
- “At the Moulin Rouge” – Henri de Toulouse-Lautrec (1895),…
Tầm ảnh hưởng của Art Nouveau trong kiến trúc hiện đại
Art Nouveau chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên phong cách này đã để lại dấu ấn không thể phủ nhận trong lịch sử nghệ thuật và kiến trúc. Thời kỳ này không chỉ được biết đến với sự nổi bật của các đường nét mềm mại, tự nhiên mà còn với việc tìm kiếm và thể hiện cái đẹp một cách tự do và phóng khoáng. Vào những năm 1960-1970, nghệ thuật đồ họa và thiết kế ngày càng hướng tới sự tối giản. Lúc này, Art Nouveau trở thành nguồn cảm hứng cho sự phá cách.
Trong kiến trúc hiện đại, Art Nouveau vẫn giữ vai trò là một tiền đề quan trọng. Đây không chỉ là một phong cách mà còn là một quan điểm thẩm mỹ, biểu hiện qua việc ứng dụng những đường cong mềm mại, tự nhiên và sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kiến trúc với môi trường xung quanh. Art Nouveau cũng chứng minh tầm quan trọng của việc tích hợp nghệ thuật vào cuộc sống hàng ngày. Phong cách này ảnh hưởng tới thiết kế đồ dùng, nội thất và cả kiến trúc công cộng. Art Nouveau góp phần tạo ra một diện mạo mới cho các không gian sống sáng tạo và đổi mới.
Xem thêm:
Vừa rồi là những thông tin về phong cách Art Nouveau – Tân nghệ thuật. Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ Art Nouveau là gì, nguồn gốc và ứng dụng của phong cách nghệ thuật này. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua website trungnguyendesign.vn hoặc hotline 0823.306.222 để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!