Lễ động thổ là nghi lễ truyền thống của người Việt trước khi khởi công bất kỳ công trình nào. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì các yếu tố tâm linh cũng không còn quá nặng nề. Tuy vậy, các cụ ta thường có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Do đó, với những người đang chuẩn bị xây nhà, nghi lễ động thổ là vấn đề rất được quan tâm. Trong bài viết dưới đây, Trung Nguyên sẽ tổng hợp các thông tin về lý do tại sao chúng ta cần thực hiện nghi lễ này, và cần chuẩn bị những gì để nghi lễ diễn ra trọn vẹn nhất.
1. Lễ cúng động thổ có quan trọng không?
Người Việt thường quan niệm rằng, trên mỗi mảnh đất, ngôi nhà đều có một vị thần cai quản gọi là Thổ Công (hay Ông Địa). Khi làm nhà, xây dựng công trình, chủ nhà sẽ đụng đến Thổ Công và các thần linh, các vị tiền chủ tại mảnh đất đó nên phải làm lễ động thổ. Nghi lễ này nhằm xin phép, báo cáo với Thổ Công, Thành Hoàng trong khu vực rằng sắp có sự thay đổi tại mảnh đất này và mong cầu các vị thần sẽ phù hộ cho quá trình thi công diễn ra thuận lợi, gia chủ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, lễ cúng động thổ còn có ý nghĩa báo cáo và xin phép các vong linh đang ngự tại đó vui vẻ di chuyển đến nơi khác để việc xây dựng được tiến hành suôn sẻ. Chính vì vậy, lễ cúng động thổ là vô cùng quan trọng.
2. Chuẩn bị cho lễ cúng động thổ có cần chu đáo không?
Như đã nói ở trên, lễ động thổ là nghi thức rất quan trọng trước khi xây nhà của người Việt Nam. Việc chuẩn bị cho lễ động thổ thật chu đạo cũng cần được chú trọng vì đây là cách chủ nhà thể hiện sự thành kính với các Đấng bề trên.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
3. Lễ cúng động thổ sẽ cần chuẩn bị những gì?
Để lễ cúng diễn ra suôn sẻ, gia chủ cần chọn ngày lành, tháng tốt, hợp với tuổi của mình, giờ hoàng đạo phù hợp với mảnh đất để tiến hành nghi thức.
Tùy vào từng vùng miền sẽ có những quy cách khác nhau về cách chuẩn bị mâm cúng cho lễ cúng động thổ. Tuy vậy, bất kỳ mâm lễ cúng động thổ nào cũng phải đảm bảo đầy đủ và tươm tất, có thể bao gồm:
+ 01 bộ tam sên: Gồm 3 con vật tượng trưng cho Thủy – Thổ – Thiên là thịt luộc, tôm luộc và trứng luộc.
+ 01 con gà hoặc heo quay hoặc cả hai: Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, gia chủ có thể chuẩn bị cả hai, gà luộc và heo quay. Tuy nhiên, thực tế gà luộc sẽ được nhiều người sử dụng nhất và xuất hiện trong hầu hết các mâm lễ cúng của người Việt.
+ 01 đĩa xôi hoặc bánh chưng, bánh hỏi: Tùy theo văn hóa của từng địa phương, từng vùng.
+ 01 đĩa muối.
+ 01 bát gạo.
+ 01 bát nước.
+ 1/2 lít rượu trắng.
+ Bao thuốc, bình trà.
+ Bó nhang (hương).
+ Giấy cúng động thổ: Là một lời thông báo với các thổ thần và vong linh, cùng với đó là lời khấn mong những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong quá trình thi công.
+ Lá trầu và quả cau: số lượng 5 hoặc 3 miếng trầu cau đã được têm sẵn.
+ Mâm ngũ quả: Tùy thuộc vào từng vùng miền, mâm ngũ quả cúng động thổ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thông thường 05 loại quả sau đây sẽ được sử dụng trong mâm ngũ quả cúng động thổ, bao gồm: chuối, bưởi, hồng đỏ, lê trắng, mận tím.
+ Hoa tươi: Tùy theo từng vùng miền nhưng nên ưu tiên hoa cúc trắng. Vì đây là loài hoa tượng trưng cho lòng thành kính, đồng thời loại hoa này cũng thường xuyên xuất hiện trên các bàn thờ của người Việt.
Bên cạnh đó, gia chủ có thể nhờ các thầy phong thủy hoặc thầy cúng lễ động thổ chuẩn bị bài văn khấn để đọc trong quá trình làm lễ.
Cúng động thổ không chỉ là báo cáo và cầu xin với thần linh, vong linh mà đây còn là nét văn hóa vô cùng độc đáo của người Việt, thể hiện được lòng tôn kính đối với các bậc bề trên. Ông bà ta vẫn nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vì vậy tuân thủ các yếu tố tâm linh lâu đời vẫn là một trong những điều khiến con người an lòng. Hy vọng bài viết của Trung Nguyên đã cung cấp đủ những thông tin mà bạn cần!