Bản vẽ kiến trúc là một thành phần quan trọng trong hồ sơ thiết kế, xây dựng nhà. Đây là yếu tố mà ai cũng cần biết khi có kế hoạch xây nhà. Vậy bạn đã biết bản vẽ kiến trúc là gì? Bản vẽ kiến trúc có vai trò gì, bao gồm những gì? Hãy cùng Trung Nguyên tìm hiểu về khái niệm và cách đọc bản vẽ kiến trúc trong xây dựng nhé!
Bản vẽ kiến trúc là gì?
Bản vẽ kiến trúc được hiểu là một trong những tài liệu kỹ thuật cần thiết để mô tả đầy đủ một công trình kiến trúc. Bản vẽ kiến trúc chi tiết cung cấp thông tin cần thiết về cấu trúc, hình dạng, kích thước và các chi tiết kỹ thuật khác của công trình.
Mục đích chính là để các kỹ sư và nhà thầu có thể hiểu rõ các yêu cầu kỹ thuật và tiến hành xây dựng theo đúng các chỉ dẫn đã được thiết kế trên bản vẽ. Điều này đảm bảo công trình được xây dựng một cách chính xác và hiệu quả.
Bản vẽ kiến trúc gồm những gì?
Phần kiến trúc
Phần kiến trúc trong bản vẽ giúp người xem tưởng tượng được hình ảnh của ngôi nhà từ bên ngoài đến không gian bên trong. Bước đầu tiên thường là xem xét phối cảnh tổng thể. Chủ đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện về thiết kế, màu sắc và phong cách của công trình, cho phép họ hình dung ngôi nhà trong tình trạng hoàn thiện.
Sau đó, việc nghiên cứu mặt bằng các tầng cung cấp cái nhìn chi tiết về cấu trúc không gian. Bao gồm vị trí, kích thước các phòng, tường, cầu thang, sự phân chia không gian,… Sự phân bố các phòng và chức năng không gian trong mỗi tầng được thể hiện rõ ràng, giúp người xem có thể hiểu và mường tượng được ngôi nhà của mình một cách cụ thể hơn.
Phần kết cấu
Phần kết cấu trong bản vẽ kiến trúc cung cấp cái nhìn chi tiết về cấu trúc của ngôi nhà. Để hiểu rõ về phần kết cấu, bản vẽ cấu trúc sẽ có đầy đủ các yếu tố:
- Những ghi chú chung về nguyên tắc kỹ thuật xây dựng. Chẳng hạn như thông số chịu lực của thép trong dầm, chi tiết kết cấu của đai, cột và dầm.
- Phần mô tả cấu tạo móng, kèm theo mặt bằng móng, được xác định dựa trên tính phức tạp của công trình. Thiết kế móng cần được chọn lựa kỹ lưỡng, phù hợp với loại móng như móng bè, móng cọc hoặc móng đơn.
- Mặt bằng định vị cho cột và chi tiết kỹ thuật của cột, chỉ rõ vị trí và khoảng cách của mỗi cột.
- Thông tin thống kê lượng cốt thép được sử dụng.
- Chi tiết kết cấu sàn các tầng.
Hồ sơ kết cấu tổng hợp tất cả thông tin liên quan đến nguyên liệu và kích thước của sắt thép, dầm, cột, đảm bảo tính toàn vẹn và ổn định của công trình. Đặc biệt, việc thiết kế một cầu thang vừa kiên cố vừa thẩm mỹ là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị và độ an toàn cho ngôi nhà.
Phần hệ thống điện nước
Trong bản vẽ kiến trúc, hệ thống điện, nước chiếm vai trò quan trọng. Phần này bao gồm sự sắp xếp và phân bố hệ thống điện, nước trong toàn bộ công trình.
Phần điện:
- Mặt bằng tổng thể về hệ thống điện, mô tả cách thức phân bố điện đến các khu vực trong nhà. Có thể thấy được vị trí công tắc, ổ cắm và hệ thống đèn chiếu sáng.
- Chi tiết về các thiết bị điện, bao gồm thông tin về loại và cách lắp đặt các thiết bị như đèn, quạt, hệ thống điều hòa thông gió,… đảm bảo năng lượng hiệu quả và an toàn.
Phần nước:
- Hệ thống cấp và thoát nước trong từng không gian, từng tầng của ngôi nhà.
- Mối liên kết hệ thống nước giữa các phòng vệ sinh, bếp và các khu vực sử dụng nước khác.
- Vị trí và quy cách của đường ống nước, bao gồm cả hệ thống ngầm, để đảm bảo việc cung cấp và thoát nước được thực hiện một cách ổn định và hiệu quả. Đồng thời dễ dàng cho việc bảo trì và sửa chữa khi cần.
Các loại bản vẽ kiến trúc thường gặp
Trong xây dựng, bản vẽ kiến trúc chuẩn là tập hợp của nhiều loại bản vẽ khác nhau. Mỗi loại bản vẽ phục vụ một mục đích cụ thể. Một số loại bản vẽ kiến trúc thường gặp là:
- Bản vẽ tổng mặt bằng: Cái nhìn tổng quan về phân bố không gian bên trong ngôi nhà. Bao gồm vị trí và kích thước của các phòng như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, WC và không gian khác như cầu thang và hành lang. Đây là mặt cắt ngang của ngôi nhà ở độ cao khoảng 1.5 – 1.8m so với mặt sàn.
- Bản vẽ tổng mặt đứng: Thể hiện các mặt phẳng song song với mặt chiếu đứng, giúp hiểu rõ hơn về thiết kế bên ngoài. Bản vẽ mặt đứng cho thấy hình dáng bên ngoài của ngôi nhà. Loại bản vẽ này mô tả tỷ lệ, sự cân đối, yếu tố nghệ thuật của tổng thể công trình.
- Bản vẽ mặt cắt: Mô tả chi tiết các phần cắt đứng của ngôi nhà. Bản vẽ này giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc bên trong như chiều cao các tầng, kích thước tường, vị trí và kích thước của cửa sổ, cửa ra vào và cầu thang cũng như kiến trúc và bố cục bên trong các phòng.
- Bản vẽ phối cảnh: Thể hiện hình ảnh thực tế của công trình một cách sinh động. Hiện nay, bản vẽ phối cảnh ngày càng chân thực, gần giống với tỷ lệ và hình ảnh thực của công trình. Từ đó hỗ trợ đắc lực trong việc trình bày và giải thích ý tưởng thiết kế.
Vai trò của bản vẽ kiến trúc
Bản vẽ kiến trúc đóng vai trò cốt lõi trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà ở. Đây là công cụ, cầu nối để chuyển hóa ý tưởng kiến trúc thành hiện thực. Nói cách khác, nó là phần không thể thiếu để hiện thực hóa mọi kế hoạch xây dựng từ trên giấy tờ sang thực tế. Nếu bạn không có đủ chuyên môn thì nên tìm đến các kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp.
Các kỹ sư xây dựng hiểu rõ cấu trúc và đặc điểm của ngôi nhà. Từ đó họ có thể đưa ra những giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật, giúp cho ngôi nhà vừa vững chắc vừa tiết kiệm chi phí. Họ nhận diện các vấn đề tiềm ẩn, từ đó đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Qua bản vẽ kiến trúc, bạn sẽ có được cái nhìn toàn diện và chi tiết về ngôi nhà của mình. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí không cần thiết do việc sửa chữa hoặc thay đổi thiết kế sau này. Bản vẽ còn là tài liệu quan trọng để giám sát và đảm bảo chất lượng công trình trong suốt quá trình xây dựng.
Các quy định, ký hiệu trên bản vẽ kiến trúc
Tỷ lệ bản vẽ
Tỷ lệ trong bản vẽ kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt đúng thông tin kỹ thuật và chi tiết cần thiết cho các công trình xây dựng. Một số tỷ lệ thường dùng trong bản vẽ kiến trúc:
- Tỷ lệ 1:1 – 1:5: Thường dùng để biểu diễn các chi tiết phức tạp với độ chính xác cao. Phù hợp với các chi tiết kỹ thuật, phần cửa, đồ nội thất hoặc cấu kiện.
- Tỷ lệ 1:10 – 1:20: Được sử dụng cho các bản vẽ cần mức độ chi tiết vừa phải. Phù hợp với các không gian nhỏ hoặc các thành phần như phòng, cầu thang.
- Tỷ lệ 1:25 – 1:75: Thể hiện mối quan hệ và kết nối giữa các không gian, cấu trúc kết cấu cơ bản. Được sử dụng rộng rãi trong các bản vẽ mặt cắt và mặt bằng tầng.
- Tỷ lệ 1:100 – 1:150: Biểu thị các yếu tố tổng thể của công trình. Có thể là mặt ngoại thất và mặt bằng tổng quát, giúp hiểu rõ bố cục chung và liên kết các không gian.
- Tỷ lệ 1:200 – 1:250: Thường được áp dụng cho các bản vẽ tổng thể lớn. Ví dụ như bản vẽ mặt bằng chung của toàn bộ công trình, giúp kiến trúc sư và chủ đầu tư nhìn nhận bố cục tổng thể.
- Tỷ lệ 1:500 – 1:1000: Được sử dụng cho các bản vẽ tổng mặt bằng. Tỷ lệ này thường dùng trong quy hoạch đô thị hoặc thể hiện tổng thể dự án lớn.
- Tỷ lệ 1:2000 – 1:50.000: Tỷ lệ cho các bản đồ quy hoạch lớn. Giúp hiển thị một khu vực rộng lớn hoặc toàn khu đô thị. Hữu ích trong việc quan sát và lập kế hoạch từ xa.
Quy định về khung vẽ và khung tên
Trong bản vẽ thiết kế xây dựng, việc sử dụng khung bản vẽ và khung tên là cực kỳ quan trọng để đảm bảo thông tin được trình bày một cách rõ ràng, chuyên nghiệp và dễ tra cứu. Cụ thể:
Khung bản vẽ
Bản vẽ thường được giới hạn bởi một khung hình chữ nhật, với các đường viền liền đậm. Tất cả các thông tin thiết yếu đều nằm trong khung này. Khoảng cách từ khung đến mép giấy thường là:
- 10mm cho các khổ giấy lớn như A0 và A1.
- 5mm cho các khổ giấy nhỏ hơn như A2, A3 và A4.
Khi các bản vẽ được đóng thành tập, cần để khoảng lề 25mm ở cạnh trái để việc đóng giấy được thuận tiện, tránh che khuất các thông tin cần thiết.
Khung tên
Đặt ở cạnh dưới cùng (đối với khổ dọc) hoặc góc phải của bản vẽ (khổ ngang). Khung tên chứa các thông tin cần thiết như tên dự án, số hiệu bản vẽ, ngày tháng và tên người thiết kế. Chữ trong khung tên nên được sắp xếp sao cho dễ đọc, thường là chữ có dấu hướng lên trên hoặc sang trái.
Khung tên giúp người xem dễ dàng nhận diện và tham chiếu đến thông tin cụ thể của bản vẽ. Đặc biệt là khi bản vẽ được lưu trữ hoặc sắp xếp cùng với các tài liệu khác.
Những ký hiệu thường gặp trong bản vẽ
Để đọc bản vẽ kiến trúc, cần phải hiểu các kí hiệu cơ bản trong bản vẽ xây dựng. Một số ký hiệu thường gặp là:
Hướng dẫn cách đọc bản vẽ kiến trúc trong xây dựng
Cách đọc bản vẽ mặt bằng
Khi nhìn vào bản vẽ mặt bằng, bạn sẽ thấy được cách quy hoạch mặt bằng, bố trí không gian. Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn vào ngôi nhà từ trên cao với cái nhìn xuyên qua từng tầng, ở độ cao khoảng 1,5m so với sàn.
Bản vẽ này sẽ giúp bạn biết ngôi nhà có những phòng nào. Chẳng hạn như vị trí phòng khách, phòng bếp, WC, vị trí và số lượng phòng ngủ,…
Cách đọc bản vẽ mặt bằng:
- Về kích thước: Diện tích của mỗi phòng được ghi rõ (đơn vị m2). Bản vẽ chỉ có số mà không kèm đơn vị đo và thường có gạch dưới số đó. Đồng thời biết được chiều dài và chiều rộng của từng phòng. Ngoài ra còn có độ dày của tường hay vách ngăn, kích thước các cột.
- Vị trí cửa: Bản vẽ mặt bằng cho biết vị trí và kích thước cửa liên kết với tường hoặc vách.
- Nội thất và hướng đi: Các biểu tượng về đồ đạc và chỉ dẫn hướng đi như cầu thang được biểu thị bằng các đường ziczac. Điều này cho biết hướng lên ở những nhà có nhiều tầng.
Cách đọc bản vẽ mặt đứng
Bản vẽ này là hình cắt bởi các mặt phẳng song song với mặt phẳng hình chiếu đứng. Hiểu đone giản, bản vẽ mặt đứng giống như bạn đang đứng bên ngoài và nhìn thẳng vào mặt tiền của ngôi nhà. Các bức tường được cắt ngang để bạn có thể thấy được hình dạng chi tiết bên ngoài.
Bản vẽ này cho bạn cái nhìn rõ ràng về vẻ ngoài, kiến trúc và sự cân đối tỷ lệ của công trình. Từ đó có thể đánh giá được tổng thể kiến trúc từ bên ngoài.
Mặt đứng thể hiện các mặt của ngôi nhà từ nhiều góc độ khác nhau, cho bạn cái nhìn đa chiều. Bản vẽ này có thể không chỉ rõ từng kích thước chi tiết. Nếu kích thước được đề cập thì thường được liên kết với trục tường cụ thể. Điều này giúp bạn dễ dàng tương quan với bản vẽ mặt bằng.
Cách đọc bản vẽ mặt cắt
Bản vẽ mặt cắt giống như bạn đang sử dụng một chiếc cưa ảo để cắt ngang hoặc dọc ngôi nhà. Sau đó nhìn vào bên trong từng phần được cắt. Nếu bạn cắt theo chiều dọc, bạn sẽ thu được hình ảnh cắt dọc. Còn nếu cắt theo chiều ngang, đó chính là hình cắt ngang.
Thông qua bản vẽ này, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc về cấu trúc bên trong của công trình. Bao gồm chiều cao các tầng, cửa ra vào và kích thước của các bức tường. Đây chính là cách để bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc và không gian bên trong của một công trình. Bạn có thể tưởng tượng được toàn bộ không gian sống một cách chân thực nhất.
Cách đọc bản vẽ phối cảnh
Bản vẽ phối cảnh không chỉ là một hình ảnh đơn thuần. Các kiến trúc sư đã sử dụng công nghệ tiên tiến để tái tạo không gian sống một cách sinh động. Thông qua bản vẽ này, bạn sẽ có được cái nhìn toàn diện về tổ ấm tương lai. Từ màu sắc, ánh sáng, bóng tối cho đến cách các không gian, cấu trúc được sắp xếp và kết hợp với nhau. Bản vẽ phối cảnh giúp cảm nhận hình dáng, phong cách cùng bầu không khí mà ngôi nhà mang lại.
Hiểu đúng về bản vẽ thiết kế kiến trúc và bản vẽ xin giấy phép
Khái niệm bản vẽ xin giấy phép
Bản vẽ xin phép xây dựng là tài liệu quan trọng bạn cần khi muốn xây một công trình. Nó bao gồm:
- Mặt bằng tổng thể: Cho thấy tổng quan diện tích xây dựng so với toàn bộ khu đất. Giúp cơ quan quản lý hiểu bạn dự định sử dụng bao nhiêu phần trăm diện tích đất để xây dựng.
- Mặt bằng sơ bộ: Mô tả cụ thể các tầng trong ngôi nhà, từ tầng trệt cho đến mái.
- Mặt cắt: Cho thấy cắt ngang hoặc cắt dọc của ngôi nhà, bao gồm cả phần móng và hầm nếu có. Từ đó hiểu rõ chiều cao và cấu trúc bên trong.
- Mặt đứng: Hiển thị mặt tiền của ngôi nhà.
- Khung tên: Chứa thông tin về đơn vị xin phép và có chữ ký của kiến trúc sư lẫn chủ nhà.
- Bản đồ địa chính: Mô tả vị trí và các khu đất liền kề, giúp xác định chính xác vị trí xây dựng.
Sự khác biệt giữa bản vẽ kiến trúc và bản vẽ xin giấy phép
Trước khi bắt đầu xây dựng, việc xin giấy phép xây dựng là bước không thể thiếu. Bản vẽ là phần thiết yếu trong hồ sơ xin giấy phép. Bản vẽ kiến trúc mô tả tổng thể ý tưởng và thiết kế của công trình. Nó giúp mọi người hình dung rõ ràng về công trình sẽ được xây dựng như thế nào. Có thể dùng để thảo luận và điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp nhất.
Bản vẽ xin giấy phép xây dựng được cụ thể hóa từ bản vẽ kiến trúc. Bản vẽ này nhấn mạnh vào các yếu tố cần thiết cho việc xin phép như quy mô công trình, chiều cao, diện tích xây dựng, vị trí trong môi trường xung quanh, tuân thủ các quy định pháp lý về xây dựng. Do đó cần phải rõ ràng, dễ hiểu và chính xác để chính quyền có thể kiểm tra và cấp phép.
Có thể thấy, phạm vi, đối tượng và mục đích của hai bản vẽ là khác nhau. Dù đã xin được giấy phép xây dựng, chủ nhà vẫn có thể điều chỉnh thiết kế, miễn là không làm ảnh hưởng đến an toàn cấu trúc và không vượt quá giới hạn đã được phê duyệt trong giấy phép.
Xem thêm:
Vừa rồi là những thông tin về khái niệm, vai trò, các quy chuẩn và cách đọc bản vẽ kiến trúc trong xây dựng. Hy vọng rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua website trungnguyendesign.vn hoặc hotline 0823.306.222 để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!