Công trình dân dụng là khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch,… Tuy nhiên với nhiều người, khái niệm này được hiểu khá chung chung. Trong bài viết này, hãy cùng Trung Nguyên tìm hiểu công trình dân dụng là gì, phân loại và phân cấp công trình dân dụng theo quy định hiện hành nhé!
Công trình dân dụng là gì?
Theo Thông tư 12/2012/TT-BXD, quy định tại Tiểu mục 1.5, Mục 1 – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia & Nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị:
“Công trình dân dụng là công trình xây dựng bao gồm các loại nhà ở, nhà và công trình công cộng.”
Công trình xây dựng là kết quả của quá trình lao động cùng với việc sử dụng vật liệu và thiết bị, có mối liên hệ chặt chẽ và cố định với mặt đất. Nó bao gồm cả các phần ẩn dưới mặt đất lẫn những phần hiện hữu trên mặt đất, trên và dưới mặt nước được triển khai và hoàn thiện theo một bản thiết kế cụ thể.
Công trình dân dụng được thiết kế và xây dựng với mục đích phục vụ nhu cầu nhà ở và các hoạt động dân sinh của cộng đồng. Do đó, nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của xã hội.
Vai trò của công trình dân dụng đối với xã hội hiện nay
Công trình xây dựng dân dụng đóng vai trò quan trọng và đa diện. Nó không chỉ cung cấp nhà ở và cơ sở hạ tầng thiết yếu, mà còn là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống và tăng cường sức mạnh quốc gia.
Chụ thể:
- Đáp ứng nhu cầu nhà ở: Công trình dân dụng tạo không gian sống chất lượng cho người dân, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chỗ ở. Từ đó cải thiện mức sống, tạo điều kiện cho cuộc sống an lành và tiện nghi.
- Tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Quy mô và số lượng các dự án xây dựng dân dụng tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm.
- Kích thích phát triển kinh tế: Các cơ sở hạ tầng dân dụng như trung tâm thương mại, khách sạn và cơ sở vật chất khác tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dịch vụ, thương mại và du lịch. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển toàn diện.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống: Sự phát triển của hạ tầng giao thông, tiện ích công cộng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.
- Tăng cường tiềm lực quốc gia: Các công trình xây dựng dân dụng lớn không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn là hình ảnh đại diện để thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Các loại công trình dân dụng theo quy định hiện nay
Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể Mục I – Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, có tất cả 3 loại công trình dân dụng bao gồm:
- Công trình nhà ở: Bao gồm các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác; nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác.
- Công trình công cộng: Bao gồm công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình phục vụ mục đích thể thao; công trình văn hóa; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; công trình thương mại; công trình dịch vụ; công trình trụ sở, văn phòng làm việc; các tòa nhà, kết cấu sử dụng đa năng hoặc hỗn hợp khác và các tòa nhà hoặc kết cấu khác được xây dựng phục vụ dân sinh.
- Công trình khác: Cổng, tường rào, nhà bảo vệ và kết cấu nhỏ lẻ khác phục vụ cho mục đích dân dụng.
Phân cấp công trình dân dụng
Những quy định về phân cấp công trình dân dụng
Công trình dân dụng được phân cấp dựa trên các tiêu chí về diện tích mặt sàn hay chiều cao của công trình được xây dựng. Các tiêu chí này nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sinh sống của con người. Điều này cũng có ý nghĩa cụ thể trong việc quy hoạch cũng như công tác quản lý của nhà nước.
Các quy định về phân cấp công trình dân dụng được hướng dẫn áp dụng trong việc quản lý hoạt động xây dựng bao gồm:
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014;
- Nghị định số 46/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 5 năm 2015 về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2015 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Nghị định số 62/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2013 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, việc phân cấp công trình công nghiệp dựa trên những nguyên tắc chung được quy định tại QCVN-03-2012-BXD của Bộ Xây Dựng. Theo đó, công trình công nghiệp được phân thành các cấp 1, cấp 2, cấp 3.
Các cấp công trình dân dụng
Theo quy định hiện hành, phân cấp công trình dân dụng bao gồm 5 cấp:
- Công trình dân dụng cấp đặc biệt: Là công trình nhà ở có tổng diện tích sàn lớn hơn hoặc bằng 15,000m² (≥15,000m²) hoặc có chiều cao từ 30 tầng trở lên (≥30 tầng). Cấp cong trình này thường áp dụng cho các công trình chung cư cao tầng, phản ánh nhu cầu về không gian sống lớn hoặc quy hoạch theo tiêu chí số tầng xây dựng theo quy định nhà nước.
- Công trình dân dụng cấp I: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 10,000m² đến dưới 15,000m² (10,000m² ≤ S < 15,000m²) hoặc có chiều cao từ 20 đến 29 tầng. Phù hợp với các dự án nhà ở có quy mô lớn, nhưng không đạt đến mức đặc biệt.
- Công trình dân dụng cấp II: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 5,000m² đến dưới 10,000m² (5,000m² ≤ S < 10,000m²) hoặc có chiều cao từ 9 đến 19 tầng. Được áp dụng cho các công trình vừa và nhỏ, cung cấp không gian sống đa dạng cho cộng đồng.
- Công trình dân dụng cấp III: Là nhà ở có tổng diện tích sàn từ 1,000m² đến dưới 5,000m² (1,000m² ≤ S < 5,000m²) hoặc có chiều cao từ 4 đến 8 tầng. Đây thường là các dự án nhà ở có quy mô nhỏ, như nhà phố hoặc biệt thự.
- Công trình dân dụng cấp IV: Là nhà ở có tổng diện tích sàn dưới 1,000m² hoặc có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 3 tầng (≤ 3 tầng). Thường là nhà ở riêng lẻ, phổ biến trong khu vực dân cư với mục đích sinh sống của từng hộ gia đình.
Một số quy định cần nắm khi phân cấp công trình dân dụng
Thông tư 12/2012/TT-BXD và QCVN-03-2012-BXD quy định một số yêu cầu khi phân cấp các công trình dân dụng như sau:
Yêu cầu phân cấp nhà ở
Khi xây dựng và phân loại nhà ở, một yếu tố quan trọng cần được xem xét là mức độ nguy hiểm liên quan đến an toàn và tính mạng con người. Đặc biệt là khả năng tháo chạy trong trường hợp xảy ra sự cố. Theo đó, nhóm nhà ở được xếp vào nguy hiểm cháy theo công năng có ký hiệu là F:
- Chung cư: Được xếp vào nhóm F1.3, đòi hỏi có biện pháp an toàn cháy nghiêm ngặt.
- Nhà ở: Được xếp vào nhóm F1.4, cần tuân thủ các quy định về an toàn cháy.
– Yêu cầu đối với nhà ở riêng lẻ: Phải đạt ít nhất cấp III về niên hạn sử dụng (20 – 50 năm) và độ chịu lửa cấp III. Đảm bảo an toàn và khả năng tháo chạy cho cư dân.
– Yêu cầu đối với chung cư:
- Chung cư cao tới 25 tầng (≤ 25 tầng): Cần được xây dựng để đạt niên hạn sử dụng từ 50 – 100 năm. Độ chịu lửa ở cấp II, đảm bảo độ an toàn cao hơn trong trường hợp xảy ra sự cố.
- Chung cư trên 25 tầng: Phải xây dựng không dưới cấp I về độ chịu lửa, với các yêu cầu cụ thể như bộ phận chịu lực (R180), tường ngoài không chịu lực (E60), sàn giữa các tầng (REI 90) và tường buồng thang trong nhà (REI 180), bản thang và chiếu thang (R90).
Yêu cầu phân cấp nhà và công trình công cộng
Đối với các công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng và ngoại giao, cũng như những cơ sở quan trọng cho công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, yêu cầu về an toàn và độ bền được đặt lên hàng đầu. Để bảo vệ cả tài sản quý hiếm và đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các công trình này phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về độ chịu lửa và niên hạn sử dụng. Cụ thể, niên hạn sử dụng phải trên 100 năm và mức độ chịu lửa cấp I.
Các công trình cần đáp ứng yêu cầu này bao gồm:
- Nhà và công trình có tầm quốc gia, quốc tế: Bao gồm bảo tàng, tòa nhà lưu trữ, di tích lịch sử, và các công trình khác có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng hay ngoại giao.
- Công trình phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ: Các cơ sở quan trọng trong việc phản ứng và xử lý các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, cháy, nổ, thiên tai.
- Trụ sở cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp: Những công trình này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều hành quốc gia mà còn thể hiện quyền lực và uy tín của Nhà nước.
Trình tự xin giấy phép xây dựng công trình dân dụng
Việc tuân thủ đầy đủ quy trình xin giấy phép xây dựng công trình dân dụng sẽ giúp công trình của bạn được phê duyệt nhanh chóng, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Đồng thời tránh được các rủi ro pháp lý phát sinh.
Để đảm bảo công trình dân dụng được xây dựng đúng theo thiết kế và quy hoạch, cần thực hiện xin giấy phép xây dựng theo đúng quy trình với các bước sau:
Chuẩn bị hồ sơ
- Thu thập thông tin dự án: Bao gồm vị trí, quy mô, mục đích sử dụng, thiết kế, công năng và các yêu cầu kỹ thuật của dự án.
- Chuẩn bị bản vẽ thiết kế: Cần có các bản vẽ kiến trúc, hệ thống điện, nước và các bản vẽ chi tiết khác liên quan.
- Chuẩn bị giấy tờ pháp lý: Bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh (nếu cần), giấy phép xây dựng trước đó (nếu có), và các tài liệu pháp lý khác.
Đăng ký xin giấy phép
- Gửi hồ sơ: Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tại cơ quan quản lý xây dựng địa phương. Thông thường là Sở Xây dựng hoặc Cục Xây dựng.
- Đóng phí: Thanh toán các khoản phí liên quan theo quy định của cơ quan quản lý.
Xem xét và kiểm tra
- Xem xét hồ sơ: Cơ quan quản lý sẽ đánh giá hồ sơ dựa trên các tiêu chuẩn pháp luật và kỹ thuật.
- Kiểm tra hiện trường: Để đảm bảo tuân thủ quy định, có thể sẽ có kiểm tra tại hiện trường công trình.
- Xử lý yêu cầu bổ sung: Trong trường hợp cần thông tin thêm hoặc điều chỉnh, cơ quan quản lý sẽ thông báo.
Cấp giấy phép xây dựng
Khi hồ sơ đáp ứng mọi yêu cầu, giấy phép xây dựng sẽ được cấp, bao gồm các thông tin cụ thể về dự án và các điều kiện cần tuân thủ trong quá trình thi công.
Xem thêm:
Trên đây là tất tần tật các thông tin liên quan đến công trình dân dụng theo quy định hiện nay. Hy vọng với những thông tin này, bạn đã hiểu công trình dân dụng là gì cũng như cách phân cấp, phân loại công trình dân dụng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc cần hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi qua website trungnguyendesign.vn hoặc hotline 0823.306.222 để được hỗ trợ nhanh nhất nhé!